Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Bình dân như bánh bèo Phố Hội

Nguồn: http://banhbeobi.com.vn/am-thuc/binh-dan-nhu-banh-beo-pho-hoi.html
banhbeophohoiĐối với khách du lịch, ngoài việc thưởng lãm cảnh đẹp, tìm hiểu tập quán những nơi đặt chân đến, phần lớn thời gian còn lại đều muốn thưởng thức các món đặc sản của địa phương. Bởi không chỉ đơn thuần là cách ăn uống, mà các món ăn đặc sản là cả nghệ thuật thưởng thức ẩm thực. Và điều quan trọng, ẩm thực ở một khía cạnh nào đó còn thể hiện văn hóa và truyền thống của những vùng miền mang nhiều màu sắc khác nhau.
Nghệ thuật ẩm thực ở phố cổ Hội An ngày nay đa dạng hóa với nhiều món ăn ngon, lạ miệng, từ sang trọng cho đến bình dân, từ món ăn Tây, Tàu, Ấn cho đến món Việt. Tuy nhiên, điều mà nhiều người tìm đến với ẩm thực Hội An là tìm đến những món ăn dân dã, những món ăn được bày bán trên vỉa hè, những món ngon đường phố. Trong số đó, có thể nói, bánh bèo là món ăn đầu tiên được nhắc đến với tất cả những gì dung dị, đời thường và phù hợp khẩu vị của đông đảo mọi người.
banhbeophohoi-1
Bánh bèo Hội An, như tên gọi của nó, nhỏ nhắn và đơn sơ, không đài các cung đình như bánh bèo Huế. Cả cái cách làm bánh cũng đơn giản không cầu kỳ. Nhưng để làm ra những chiếc bánh ngon, dẻo, vừa ăn, bắt mắt đòi hỏi vào công thức riêng biệt của mỗi quán. Bột gạo xay nhuyễn, cân đo vừa phải giữa lượng nước và bột, múc đổ vào từng chén sành con con, sau đó bỏ vào nồi hấp cho bánh chín. Thích nhất là những chiếc bánh được xoáy tròn ở giữa (giống hình đồng xu lõm xuống chỗ tâm bánh), những chiếc bánh như thế thường dai giòn và đủ độ chín tới. Bánh ngon còn phụ thuộc vào việc chế biến những nồi nhưn (còn gọi là nhân) khéo léo từ những con tôm đất băm nhỏ, xào với bột gạo, một số gia vị và hành lá Trà Quế băm nhỏ để cho ra một thức nhưn đặc đặc có màu đỏ gạch. Rưới thêm một ít hành phi, dầu ăn, và đặc biệt là vài cộng ram chiên giòn từ sợi Cao Lầu phơi khô. Muốn ăn ngon hơn một chút đúng kiểu Hội An, bạn cần có một chén nước mắm dìu dịu dằm với ớt xanh, cay cay thơm nồng.
banhbeophohoi-2
Thêm một điều đặc biệt là chỉ có ở Hội An bạn mới được thưởng thức bánh bèo ngọt. Ở khâu khuấy bột, người ta sẽ cho thêm một ít đường (một số nơi dùng đường bát nấu lên) để tạo ra những chiếc bánh có vị ngọt. Bánh ngọt mà lại ăn với nước nhưn mặn và nước mắm, hẳn bạn sẽ hơi lo lắng, nhưng cái cảm giác vừa lạ vừa tò mò ấy càng khiến bạn cho phép mình ăn thêm vài chén nữa.
Bánh bèo ở Hội An được bán chủ yếu trên các gánh hàng rong của các bà, các cô hoặc trong những quán nhỏ. Đi thành từng tốp bạn bè và thường so các chồng chén chất cao với nhau để xem ai là người ăn nhiều hơn cũng là một thú vui trong thưởng thức bánh bèo. Bạn cũng nên dùng các nĩa bằng tre (chứ không phải các loại thìa bằng inox) xiên qua lớp bánh bèo để tăng thêm cảm giác ngon miệng và lạ lạ khi dùng bánh bèo tại Hội An.
Dưới đây là gợi ý bảy quán bánh bèo bạn không thể bỏ qua khi đến Hội An:
1. Bánh bèo đẩy xe của cô Tại:
Tầm khoảng 3 giờ chiều, cái giờ bắt đầu cho những buổi “ăn hàng” thì hầu như ai cũng chờ đợi cô Tại đẩy xe bánh bèo đi ngang qua. Dọc đường Lý Thường Kiệt, qua Ngô Gia Tự, Trần Hưng Đạo và kết thúc trên đường Nguyễn Huệ, những buổi chiều thường là những lần hẹn hò và vây quanh xe bánh bèo của cô Tại.
banhbeophohoi-3
2. Bánh bèo cô Bảy gần bức tường cổ:
Dạo quanh phố cổ, bạn nên dừng lại chỗ  bức tường được chụp hình nhiều nhất ở Hội An để thưởng thức bánh bèo cô Bảy ngay góc đường Hoàng Văn Thụ. Ngồi quây quần bên mâm bánh vừa ngắm phố cổ, hàn huyên và nhâm nhi bánh bèo là cảm giác khó quên đối với du khách khi rời xa Hội An.
banh-beo-tuong-co1
3. Bánh bèo Rừng – số 17 đường Đinh Tiên Hoàng (gần chợ Tân An):
Phục vụ khách vào buổi sáng, bánh bèo là món điểm tâm nhẹ nhàng nhưng vẫn no lâu. Sở dĩ quán có tên gọi là Bánh bèo Rừng vì trước đây, muốn vào quán phải băng qua một cánh rừng nhỏ, xung quanh nhà cửa thưa thớt. Còn hiện tại thì quán nằm trong khu vực sầm uất đông dân của khu vực gần chợ Tân An.
banhbeophohoi
4. Bánh bèo cô Lan số 62 Phan Đình Phùng:
Bắt đầu bán khoảng tầm qua giờ trưa và kết thúc lúc 5-6 giờ chiều, quán còn bán thêm bánh nậm gói lá chuối. Có một điều đặc biệt là nhân bánh bèo của cô Lan có thêm đậu xanh, mùi vị thơm thơm rất dễ ăn.
banhbeophohoi-4
5. Bánh bèo cô Tú – hẻm bên cạnh Bệnh viện Thái Bình Dương (đường Phan Đình Phùng):
Cũng nằm trên đường Phan Đình Phùng và được bán vào buổi chiều, trong con hẻm nhỏ bên cạnh Bệnh viện Thái Bình Dương, bà chủ tên Tú là người rất dễ tính. Bánh bèo ngon mà theo nhiều người thì ăn mãi không thấy ngán.
banhbeophohoi-5
6. Bánh bèo chị Hà đường Nguyễn Tất Thành (bên cạnh café Cát Tiên):
Cách trung tâm phố cổ gần 4km về hướng Non Nước, quán bánh bèo của chị Hà nổi tiếng cả vùng Thanh Hà – Cẩm Hà và cả những người ghiền bánh bèo trong khu phố cổ. Được bán cả ngày, từ sáng sớm cho đến tối, lượng khách ra vào thường xuyên đã trả lời cho câu hỏi về mức độ hấp dẫn của món bánh bèo bình dân.
banhbeophohoi-6
7. Bánh bèo bà Tý đường Nguyễn Thị Minh Khai:
Đối diện   nhà cổ Phùng Hưng nổi tiếng bên cạnh Chùa Cầu (đường Nguyễn Thị Minh Khai) là quán bánh bèo buổi sáng của cô Tý. Quán là địa chỉ yêu thích của mọi lứa tuổi vì món ăn ngon và giá bình dân.
banhbeophohoi-7
Nguồn:  hoian-tourism.com

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Bánh ướt Gà Đà Lạt - món ăn lạ miệng

Nguồn: http://banhbeobi.com.vn/am-thuc/banh-uot-ga-da-lat-mon-an-la-mieng.html
Đà Lạt từ lâu đã hấp dẫn du khách không chỉ bằng vẻ đẹp yên bình và mộng mơ, mà Đà Lạt còn thu hút bởi văn hóa ẩm thực đa dạng và phong phú. Đà Lạt là nơi sản sinh ra rất nhiều món ăn độc đáo, được du khách khắp nơi yêu thích, một trong số đó là món bánh ướt trứ danh của vùng đất này: Bánh Ướt Gà.
banh-uot-ga
Bánh ướt gà có nguyên liệu bình thường và cách chế biến không cầu kì, nhưng sự đặc biệt của món ăn này là ở hương vị. Mùi vị nhẹ nhàng, tinh tế nhưng tuyệt vời như chính phong cách của Đà Lạt vốn dịu dàng bấy lâu nay.Bánh ướt gà cũng như các loại bánh ướt khác, bánh được chế biến từ gạo. Gạo tẻ được chọn lựa kỹ càng, ngâm rồi đem xay, rong và trộn với một ít bột năng và bột khoai mì. Bánh ướt khi tráng lên có độ dai nhất định, độ dày đều và không bị vỡ.Nhân bánh ướt làm từ thịt gà và lòng gà. Gà được chọn là gà vườn, không quá lớn, thịt chắc mềm, không quá dai hoặc nhão. Thịt gà được hấp hoặc luộc chín rồi đem xé phay. Lòng gà làm sạch để không bị tanh, đem ướp nhẹ với gia vị và hành tỏi.Khi dùng, thịt gà và lòng gà được xào lên, cho lên trên bánh ướt nóng hổi vừa tráng xong. Ăn kèm với rau giá, ớt lát và một chút tiêu trên bề mặt cùng với nước mắm pha tỏi ớt.
banhuotga2
Đĩa bánh ướt gà hấp dẫn với độ dẻo thơm của bánh ướt nóng, thịt gà ngọt chắc, lòng gà giòn giòn béo ngậy vừa ăn, hòa quyện với nước chấm thơm lừng, đậm đà và nồng nồng vị cay của tỏi ớt,…sự kết hợp tất cả cùng tạo nên món bánh ướt thơm ngon đến lạ lùng.
banhuotga3
Trong cái se se lạnh của Đà Lạt sáng sớm, không có gì tuyệt hơn là nếm thử món bánh ướt gà nóng hổi, cay cay, mặn mặn thế này. Chỉ một lần thôi và bạn sẽ bị món ăn có phần lạ lẫm này hạ gục ngay lập tức và không thể nào quên được.

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Bánh ướt mắm dắt ngon mà lạ

Với người miền Trung, bánh ướt là một món phổ biến. Tiền thân của bánh ướt ra đời trong cách làm bánh tráng của người dân quê. Bánh ướt mắm dắt là một đặc sản ở nơi đây, mỗi khi nếm thử thì khó có thể quên được.
banhuotmamdatVới những người làm bánh ướt chuyên nghiệp, trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước như ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định thì cách làm bánh có phần công phu, khéo léo và tinh tươm hơn.
Người làm bánh ướt phải qua các công đoạn đắp lò, chuẩn bị xoong nồi và những dụng cụ cần thiết. Khi làm bánh, các cô các chị phải cần mẫn ngồi bên lò than lửa nồng đượm. Trên lò than có nồi nước to sôi ùng ục tỏa khói, mảnh vải căng tròn phẳng phiu bên trên miệng nồi. Từ bột gạo ngâm xay nhuyễn, đôi tay người làm bánh từng động tác đều đặn dùng chiếc vá hoặc chiếc gáo tròn múc bột đổ lên tấm vải tráng cho bột mỏng tròn đều theo khung vải rồi đậy nắp lại.
banhuot3
Chỉ trong vòng 1-2 phút, bánh chín, người làm dùng thanh tre cật già vót thật mỏng khéo tay vớt từng cái bánh trắng mỏng ra trải lên chiếc mâm có lót ngọn lá chuối non hoặc trải xuống chồng đĩa chờ sẵn. Nếu làm bán, gặp buổi khách đông, một người làm phải ngồi bên cạnh 3-4 lò than và đôi tay phải hoạt động thoăn thoắt. Các động tác múc bột tráng, đậy nắp nồi, mở nắp ra, vớt bánh cứ thế nhịp nhàng lặp đi lặp lại đều đặn.
Bánh vớt ra để khoảng năm phút thì tạm nguội. Cô chủ khéo tay gấp chiếc bánh làm tư xếp để cẩn thận một góc mâm. Làm bánh ướt đòi hỏi khéo tay và tinh ý. Khi vớt bánh ra, đồng thời bên cạnh cô chủ cũng đã có một nồi dầu phi với hẹ xắt nhỏ xanh ngăn ngắt để sẵn. Trước khi ăn, trên bề mặt chiếc bánh ướt được thoa nhẹ một lớp dầu và hẹ làm cho từng chiếc bánh như sinh động, bắt mắt và hòa hợp hơn.
nuocmamdat
Bánh ướt chấm các loại mắm ăn lúc còn nóng mới ngon. Nếu được chấm với mắm dắt thì càng độc đáo biết bao. Loại mắm này người dân làm từ con dắt, một loài hải sản thuộc họ nhà sò, hến nhưng nhỏ hơn sống nhiều ở vùng đầm giáp với cửa biển miền Trung. Mắm dắt là một đặc sản mà ăn với bánh ướt nóng phi hẹ thì không có gì ngon cho bằng.
Thức ăn từ những làng quê tuy bình dị, mộc mạc nhưng hương vị đậm đà và gợi nhớ khiến ai từng dùng qua khó mà quên được... như món bánh ướt mắm dắt. Dù đơn giản, nhưng món ăn dân dã này có đủ thành phần dinh dưỡng như tinh bột, béo, đạm, vitamin và chất xơ.
Theo Hương Hương (báo Tuổi Trẻ)

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

4 món bánh Huế làm say lòng du khách

Nguồn: http://banhbeobi.com.vn/am-thuc/4-mon-banh-hue-lam-say-long-du-khach.html
Bánh bèo, nậm, bột lọc, ram ít... là những món bánh đặc trưng của ẩm thực xứ Huế với hương vị khó lẫn, khiến bạn từng ăn thì sẽ nhớ mãi.
1. Bánh bèo chén
banhbeochen
Bánh bèo chén là một trong những món bánh ăn vặt nổi tiếng mà người dân Huế tự hào giới thiệu với du khách đặt chân đến đất Cố đô. Món bánh được làm từ nguyên liệu bình dị là bột gạo nhưng nhờ sự khéo léo tinh tế trong cách chế biến mà người Huế đã nâng tầm món ăn vặt của mình thành một đặc sản đáng tự hào.
Để có được những chiếc bánh bèo tròn xinh, bé xíu, những người thợ làm bánh ở đây phải trải qua khá nhiều công đoạn tỉ mỉ từ khâu chọn gạo, xây bột cho đến đổ bánh... để làm sao chiếc bánh khi ăn phải vừa mềm, vừa dẻo nhưng không quá dai và vẫn giữ được hương thơm của bột gạo... Không chỉ có vậy, bánh bèo chén Huế muốn ngon, muốn đẹp mắt phải được điểm xuyết thêm màu vàng của da heo chiên giòn, màu gạch tôm cháy cùng ít hẹ phi... Tất cả kết hợp với nhau hài hòa trong cái vị cay xé lưỡi khiến du khách phải xuýt xoa khi thưởng thức.
2. Bánh bột lọc
banhbotloc
Ngoài cơm hến thì đây là một món ăn vặt mà du khách nào cũng phải thưởng thức cho bằng được khi đã đặt chân đến Huế. Bánh bột lọc Huế thường được chia làm hai loại là bánh gói (gói lại bằng lá chuối hoặc lá dong) và bánh trần (không gói lá), nhưng dù loại nào đi nữa thì nó cũng hấp dẫn nhờ phần bột chín trong suốt để lộ ra bên trong những com tôm đỏ gạch đẹp mắt.
Để  làm bánh bộc lộc thường có hai cách, một là pha bột mì với nước lọc theo một tỷ lệ nhất định rồi cho vào nồi, để lửa nhỏ và khuấy đến khi bột sánh lại là được. Làm cách này không mất nhiều thời gian nhưng chiếc bánh khi ăn sẽ không dai nên không được nhiều người ưa thích. Cách làm ngon nhất vẫn là nhồi bột bằng tay với nước sôi, nhò quá trình nhồi này nên bột mềm, mịn và dai, khi luộc chín có màu trong suốt đẹp mắt. Nhân bánh bột lọc thường là tôm, thịt ba chỉ được thái nhỏ và rim vừa ăn.
Giống như các món bánh Huế, bánh bột lọc chỉ ăn với mắm ngọt thật cay mà không cần ăn kèm rau như các món mặn khác. Chiếc bánh bột lọc nho nhỏ nhưng lại có một sức quyến rũ rất riêng. Bánh trong suốt phô bày con tôm và lát thịt ăn với trái ớt xanh, mang vị cay đặc trưng của xứ Huế để cho ai đã một lần thưởng thức thì không thể nào quên.
3. Bánh nậm
banhnam
Bánh nậm cũng là một món ăn vặt được bán nhiều trên các gánh hàng rong ở thành phố Huế. Chiếc bánh nậm trắng ngần điểm nhụy tôm hồng, mặt bằng hình chữ nhật, lát mỏng thanh thanh, được bọc bằng lá dong ăn kèm với chả tôm, nước mắm ngọt vừa đủ đậm đà vừa không ngấy.
Nguyên liệu để làm bánh gồm bột gạo có pha bột năng, được nêm gia vị, dầu ăn và đun trên bếp. Trong quá trình nấu bột phải khuấy bột liên tục để bột không bị vón cục hoặc bị cháy. Phần nhân bánh nậm được làm khá công phu. Tôm được lột vỏ bằm nhuyễn với thịt rồi xào với hành tím thêm ít gia vị cho vừa ăn. Bánh có thể gói bằng lá chuối hoặc lá dong.
Bột được cho lên lá chuối, dàn mỏng ra rồi cho nhân vào giữa, gói kín lại theo hình chữ nhật để khi hấp không bị ngấm nước hay xì bột ra bên ngoài. Gói xong vuốt nhẹ theo chiều dài bánh để bột được dàn đều, không dày, không mỏng trước khi xếp vào xửng hấp chín. Cũng như các loại bánh khác, bánh nậm được ăn kèm với nước mắm ngọt hơi cay.
4. Bánh ram ít
banhramit
Đây là món ăn dân gian được truyền vào cung đình Huế từ lâu rất được các triều Vua nhà Nguyễn ưa thích. Ngày nay, bánh ram ít trở thành đặc sản mà người dân Huế tự hào dùng để giới thiệu với du khách. Khi ăn bánh ta sẽ cảm nhận được cả vị dẻo của bột nếp, sự đậm đà của nhân tôm thịt của phần bánh ít bên trên và cái giòn rụm của phần bánh ram phía dưới vừa ngon vừa rất lạ miệng.
Nguyên liệu chính để làm nên món ăn này là bột nếp, tôm tươi, thịt ba chỉ... Thoạt nhìn qua nguyên liệu có vẻ đơn giản nhưng để có được những chiếc bánh ít mềm dẻo hay chiếc bánh ram giòn rụm là một quá trình tốn không ít thời gian cũng như kỹ năng của người đầu bếp. Từ bột nếp, người thợ làm bánh phải nhồi cho thật dẻo với ít muối rồi chia bột thành hai phần bằng nhau để làm bánh ít và bánh ram. Nhân bánh được làm từ tôm, thịt ba chỉ thái thành từng phần nhỏ, ướp gia vị vừa ăn. Phi thơm dầu, cho tôm thịt vào xào nhỏ lửa đến khi thấm gia vị, phần thịt, tôm hơi săn lại thì tắt bếp.
Bột được chiên thành từng phần nhỏ, cho nhân vào giữa rồi vo tròn lại. Bánh ít thì cho vào xửng hấp chín, riêng bánh ram thì đem chiên vàng (để bánh được giòn rụm thì bánh chiên phải ngập dầu và để lửa lớn). Khi ăn, chỉ cần kẹp hai loại bánh này lại với nhau là bạn đã có thể thưởng thức trọn vẹn cái giòn rụm của bánh ram kết hợp với cái mềm dẻo của bánh ít rất hài hòa, ngon miệng.
Ngoài những món bánh đặc trưng trên, ẩm thực Huế còn khá nhiều món ăn ngon khác mà du khách khi đến Huế đều muốn thưởng thức như bánh canh Nam Phổ, cơm hến, nem lụi, chè bột lọc thịt quay, bánh mì bột lọc, bánh khoái, bánh phu thê, bánh ướt....
Theo Ngôi sao

Đổi vị với bánh bèo lá, bánh bèo rán xứ Nghệ

Tới Nghệ An, ngoài con đường bán bánh bèo nổi tiếng ở thành Vinh, bạn cũng đừng quên thưởng thức 2 món bánh bèo khá lạ: bánh bèo lá và bánh bèo rán.

banhbeoran
banhbeoran1
Bánh bèo rán, bánh bèo lá- khúc biến tấu của bánh bèo Nghệ.
Một đĩa bánh bèo lá có khoảng chục chiếc bánh con con cỡ tầm hai ngón tay. Khi ăn, phải lần bóc lớp lá chuối hệt như khi ăn bánh gai, bánh dợm. Bánh bèo lá vì thế cũng có mùi đặc biệt hơn - mùi thơm của lá chuối. Chiếc bánh bèo mỏng manh được gói kỹ giữa lớp lá chuối và được hông chín trong nồi nên khi ăn vẫn còn thấy nóng hổi.
banhbeoran2
Mở lớp lá chuối, bánh bèo vẫn giữ được màu trong của bột, vị ngọt của nhân.
Ăn kèm bánh bèo lá luôn có một bát nước mắm. Nước mắm được pha chế giống như thứ nước rưới lên những chén bánh bèo Huế hay trong đĩa bánh bèo bột lọc. Nhưng thay vì rưới lên thì nay nước mắm được để riêng trong chiếc bát nhỏ. Trong bát còn rắc thêm 1 ít hành khô nhằm tạo vị thơm cho bát nước chấm.
banhbeoran4 banhbeoran3
Khi ăn không thể thiếu bát nước chấm hành phi.


banhbeoran5
Ăn bánh bèo lá là cơ hội để người ta thể hiện sự quan tâm, chia sẻ.
Những ngày se se lạnh, còn gì thú vị hơn khi ngồi bên nhau và bóc cho nhau những chiếc bánh bèo nhỏ xinh. Khúc biến tấu khác ở quán bánh bèo này chính là bánh bèo rán. Thay vì lớp bánh bèo ướt ướt được làm chín bằng nước, bánh bèo rán được làm chín theo một phương thức riêng: rán qua dầu.
banhbeoran6
Bánh bèo rán- món mới từ bánh bèo.
Tuy nhiên để đảm bảo bánh chín kỹ thì người bán hàng thường dùng ngay những chiếc bánh bèo lá, bóc sạch lớp lá chuối và cho vào chảo dầu mỗi khi có khách ăn bánh bèo rán. Bánh bèo rán vì thế mà vừa có lớp vỏ xốp vàng nhưng bên trong, khi cắn một miếng vẫn thấy được vị dẻo dẻo của bột nhào kỹ và vị thơm của nhân tôm thịt. Ăn bánh bèo rán không dùng nước mắm để chấm mà lại dùng tương ớt. Nhiều người đến ăn vẫn hay gọi đùa đây là món nem chua rán của thành Vinh, của xứ Nghệ.
banhbeoran7
“Nem chua rán” của xứ Nghệ.
Nhân của bánh bèo rán và bánh bèo là chủ yếu vẫn là nhân tôm. Bên cạnh đó còn có một số ít là nhân thịt nạc để tạo hương vị riêng cho những chiếc bánh bèo. Chị chủ cửa hàng vẫn hay đùa: chỉ những ai may mắn lắm mới ăn trúng bánh bèo nhân thịt thôi. Cũng vẫn là món bánh bèo được làm từ bột gạo, bột năng. Cũng vẫn có nhân tôm thịt cùng với vị nước mắm đặc trưng, nhưng nếu đến Vinh, ghé chân ở con đường Phong Đình Cảng thì đừng bở lỡ cơ hội thưởng thức hai món lạ này bạn nhé.



5 LOẠI BÁNH CUỐN HẤP DẪN

Nguồn : http://banhbeobi.com.vn/am-thuc/5-loai-banh-cuon-hap-dan.html

1. Bánh cuốn thịt truyền thống


Là thứ bánh quen thuộc với đại đa số người Việt Nam và là nỗi nhớ cồn cào với những ai xa quê cha đất tổ. Món bánh cuốn thơm nóng, dẻo dẻo ăn cùng lớp nước mắm mặn nhẹ làm cho món ăn thêm ngon phưng phức.
Bột làm bánh là thứ bột gạo được xay kĩ nên rất mịn. Sau khi làm chín bởi hơi nước, lá bánh sẽ được cuốn lại với nhân thịt, với mộc nhĩ và nấm hương đã được làm chín sẵn. Sau đó người làm bánh sẽ dùng thanh tre chia cuốn bánh đó ra làm các  khúc ngắn hơn và bày vào đĩa.
Sau khi xếp lần lượt hết vào đĩa, một ít ruốc tôm sẽ được rắc lên trên các miếng bánh cuốn và trên cùng điểm vài cọng rau thơm như rau bạc hà, rau mùi...Bánh cuốn sẽ được thưởng thức cùng với bát nước chấm có vài lát chả và chút hành khô trong đó.
cuon1
Bánh cuốn nhân thịt thơm ngon

Trời lạnh, một dĩa bánh cuốn thịt ngon lành nóng hổi được bưng ra cùng chén nước mắm ấm ấm. Dùng đũa gắp một cuốn và chấm cùng nước mắm, sẽ cảm thấy được độ thơm phưng phức của món ăn, lớp bánh sánh mịn hòa cùng vị nhân sần sật đậm đà, ăn khá thích thú.



2. Bánh cuốn trứng


Bánh cuốn trứng Lạng Sơn chỉ bao gồm trứng gà và thịt nạc kho được chà nhuyễn thành từng sợi nhỏ và nước canh là nước được ninh từ xương ống và cho thêm gia vị, hành, mùi, tiêu, ớt.
Nhiều nhà hàng còn dùng nước thịt kho cho vị đậm đà hơn. Trứng gà được hấp bên trong lá bánh, chín tái đủ để tạo một lớp màng mỏng quanh lòng đỏ, giúp trứng không bị vỡ. Khi thưởng thức, người dùng sẽ khéo léo đưa miếng bánh vào miệng làm sao để lòng đỏ trứng vỡ ra trong miệng, hoà lẫn với nước thịt kho và những sợi thịt kho đã chà nhuyễn còn nóng và thơm ngon.

Món ăn này đòi hỏi những kĩ thuật rất khó của người làm bánh. Bột được trải ra khuôn vải rồi đóng nắp, chờ cho bánh vừa chín tới thì mở nắp ra rồi đập trứng gà lên lớp bánh. Cái hay cái khéo là người thợ tráng bánh phải đậy nắp lại và canh sao kịp lúc lớp lòng trắng đục lại và dính vào mặt bánh, còn lòng đỏ thì vừa chín tới độ lòng đào tạo thành lớp bọc mỏng giúp quả trứng không bị bể, thì mới mở nắp. Rồi dùng đũa dẹp chia bánh làm hai phần, khéo léo hất mép bánh cuộn lại ôm nhân trứng bên trong.
BanhCuonTrung
Quy trình để có một dĩa bánh cuốn trứng hấp dẫn

banh-cuon-doc-dao-tai-nha-hang-hat-gao-vang-anh-6
Một đĩa bánh cuốn trứng hấp dẫn mới ra lò


3. Bánh cuốn kiểu Hoa


Cũng là một hình thức biến tấu khác của món bánh cuốn truyền thống qua ẩm thực của người Hoa, món bánh cuốn kiểu Hoa cũng thu hút khá đông đảo thực khách do độ ngon và lạ miệng.
Là một đĩa ăm ắp các loại thức ăn khác nhau nhưng rất Việt Nam như: chả lụa, nem chua, bánh tôm phồng… được sắp xếp và dùng kèm với nước mắm mặn.
Khi ăn, thực khách có thể cảm nhận được vị đậm đà của nước mắm chảy dọc theo lớp bánh cuốn mềm mịn. Độ giòn thơm của lớp bánh tôm, độ sật sật của miếng chả lụa kèm theo một ít chua ngọt của món nem làm cho món ăn đạt được độ hoàn hảo.
Chả lụa thì xắt thành thanh vuông dày đầy đặn chứ không xắt miếng như thường thấy, ăn kèm với nem chua rất ngon.
BanhCuonNguoiHoa
Dĩa bánh cuốn kiểu hoa đầy ắp nhân thịt


4. Bánh cuốn thịt nướng



Vùng đất Kim Long của Huế vốn nổi tiếng với món bánh ướt thịt nướng, đã có mặt rất nhiều ở các vùng miền trên đất nước.Lớp bánh ướt được bao bọc bên ngoài viên thịt nướng và đem dùng chung với lớp nước sốt tương mặn mà kì lạ.
Bánh ướt cho món ăn này phải là loại bánh tráng được làm bằng bột gạo có pha bột lọc, tráng mỏng hơn và dùng ngay sau khi tráng phủ.
Thịt để nướng thường là thịt heo ba chỉ thái mỏng, tẩm ướp gia vị kèm với mè. Thịt ướp sau vài giờ thì đem kẹp, nướng trên bếp than đỏ hồng cho đến khi đủ độ chín, dậy mùi thơm. Sauk hi đem nướng, thịt này được kẹp kèm với rau thơm, xà lách làm nhân để cuốn bánh ướt.
banhcuonthitnuong
Dĩa bánh cuốn đầy ắp thịt nướng thơm phức



5. Bánh cuốn cà cuống


Bánh cuốn được ăn với nước mắm cà cuống là cách ăn chuẩn xác nhất của món ăn này. Vốn là món ăn tồn tại hơn 30 năm tại đất Sài Gòn này, ít ai ngờ bánh cuốn nhân thịt chấm nước mắm cà cuống lại là món ăn của một người Bắc di cư vào Sài Gòn từ năm 1976 – bà Phạm Thị Chức.

Đến giờ, quán đã trải qua ba người kế nghiệp, nhưng vẫn giữ được những đặc trưng vốn có của thứ nước mắm cà cuống đặc biệt này. Là thứ tinh dầu được lấy trực tiếp từ bọng tinh dầu của con cà cuống, đem trộn với phần thịt rồi cho vào lọ nút kín. Để rồi đem pha trộn với nước mắm sẽ làm mùi thơm ngan ngát khó tả. Chấm một miếng bánh cuốn sẽ thấy cảm thấy được sự hòa quyện mùi vị thật tuyệt.

cacuong
Lọ cà cuống tạo nên linh hồn chén nước mắm đậm đà hương vị


Có thực khách, nhất là Việt kiều, ăn một mạch nhiều dĩa bánh cuốn, bởi vì độ ngon và vì hương vị gợi cho người ta nhớ về những kỉ niệm của bản thân.  Nhiều người nói, thứ nước mắm hơi thoảng nhẹ cà cuống bỗng dậy lên mùi thơm làm cho họ hơi bần thần, bởi cảm giác tưởng chừng như rất quen thuộc và day dứt. Và với những ai xa quê, thì nó lại càng cồn cào trong nhịp thở.

Chấm miếng thứ nhất, rồi lại chấm thêm miếng thứ hai, rồi không dừng được bởi mùi hương thơm ngon của món ăn.
foody-banh-cuon-ba-hoanh
Bánh cuốn cà cuống làm nức lòng thực khách
Có người vào đây ăn liền hai dĩa bánh cuốn kẻo phí nước chấm. Gần Tết là thời điểm đông Việt kiều vào ăn nhất vì chỉ về Việt Nam mới được ăn món này. Một vị khách Việt kiều còn ăn liền một lúc 3, 4 dĩa làm chủ quán mắt tròn mắt dẹt. Nhưng, có ai xa quê hương mới hiểu, tìm được hương vị ký ức còn mừng hơn bắt được vàng.

Người mô tả hương thơm cà cuống hay nhất từ trước tới nay có lẽ là nhà văn Thạch Lam, ông thấy mùi cà cuống trong tô phở “thoảng nhẹ như một nghi ngờ”. Quả vậy, một món ăn có chút tinh dầu cà cuống thơm nhẹ chứ không nồng, ngỡ như có, ngỡ như không, khó mà nắm bắt được. Chấm một miếng bánh cuốn vào bát nước mắm có cà cuống ngát hương, lại phải nhanh tay chấm miếng thứ hai để định vị cái mùi gì mà vẫn không sao nắm bắt được rõ ràng.
HỮU NGÂN  - FOODY.VN (tổng hợp)

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Bánh bèo Miền Nam có gì lạ?

Nguồn: http://banhbeobi.com.vn/am-thuc/banh-beo-mien-nam-co-gi-la.html
Bánh bèo ăn kèm dưa leo thái sợi, giá chần, các loại rau thơm thái nhỏ, rưới nước cốt dừa, chan ngập nước mắm chấm lên đĩa bánh, từng nguyên liệu thấm đẫm nước chấm, đem lại hương vị thơm ngon, đậm đà.
Nguyên liệu: (cho thành phẩm khoảng 50 cái bánh bèo)
+ 200g bột gạo
+ 60g bột năng
+ 100g đậu xanh cà vỏ
+ 200g bì (da heo luộc chín cắt sợi nhỏ)
+ 1 muỗng canh thính (gạo rang thơm rồi xay)
+ 400g thịt nách hoặc đùi heo
+ 1/2 muỗng canh hành tỏi băm
+ 5 chén nước dừa tươi
+ 1/2 chén nước cốt dừa
+ 1,5 chén nước dảo dừa (nước thứ 2 vắt từ cơm dừa sau khi thu được nước cốt dừa ở nước thứ nhất)
+ 1 chén hành lá cắt nhỏ
+ 1 chén mỡ nước
+ Vài cọng lá dứa
+ Cà rốt, củ cải trắng
+ Rau sống gồm: xà lách, dưa leo, rau thơm, giá
+ Nước mắm, muối, dấm, đường, nước tương, hạt nêm, bột ngọt, dầu ăn
+ Hành khô, hạt tiêu
banh-beo-bi
Cách làm:
- Thái sợi cà rốt, củ cải trắng. Bóp 5 phút với ít muối rồi rửa sạch. Sau đó cho đường và dấm (tạo vị chua ngọt vừa miệng) vào ngâm khoảng 2 - 3 tiếng là dùng được.
- Hòa bột gạo + 40g bột năng + 500ml nước ấm + 1 muỗng cà phê muối + 1 muỗng cà phê dầu ăn + chút bột ngọt rồi quấy đều. Lọc qua rây, để 10 phút cho bột nở.
- Quét dầu ăn lên khuôn, đặt vào nồi nước đang sôi sẵn bên dưới trong 3 phút, múc bột đổ vào khuôn rồi nhanh tay đậy vung. Đun lửa thật to 10 phút thì bánh chín. Lấy bánh ra để nguội, gỡ khỏi khuôn, xếp vào đĩa có lót lá chuối. Lặp lại thao tác như vậy đến khi hết lượng bột.
- Cho vô chén hành thái nhỏ cùng một ít muối + một ít bột ngọt. Đun mỡ nóng vừa, đổ mỡ vào chén hành, trộn đều cho hành chín tới. Cho thêm 1 muỗng mỡ hoặc dầu nguội vào để giảm độ nóng, giúp hành xanh và giữ được độ giòn, chắt mỡ để riêng.
- Ướp thịt với 1/4 muỗng canh hành tỏi băm, tiêu, đường, hạt nêm, nước tương với lượng gia giảm sao cho hợp khẩu vị trong 30 phút, đem hấp chín. Áp chảo bên ngoài cho thịt sém vàng, để thật nguội rồi thái sợi như cọng tăm. Phi số tỏi còn lại, trộn thịt với bì, muối, bột ngọt, tỏi băm, tỏi phi vàng pha chút nước mỡ. Cuối cùng, trộn cùng với thính cho thơm.
banh-beo-3
- Đậu xanh ngâm khoảng 3 giờ cho nở, vo sạch. Bỏ đậu vô nồi, chế nước ngang mặt đậu và một ít muối, nấu lửa vừa cho đậu chín. Đem tán hoặc xay nhuyễn, xào thơm với phần mỡ phi hành.
banh-beo-4
- Thắng nước cốt dừa gồm: 1,5 chén nước dảo dừa + 20g bột năng + 1/2 muỗng cà phê muối + 1 muỗng cà phê đường + lá dứa, bắc lên bếp đun nhỏ lửa, khuấy đều tay đến khi bột chín có độ sánh. Cho nước cốt dừa vào khuấy nhanh tay rồi tắt bếp.
banh-beo-bi1
- Pha nước chấm gồm: 1 chén đường + 1/2 chén nước mắm ngon + 5 chén nước dừa tươi. Nấu sôi hỗn hợp, để nguội, cho tỏi và ớt băm vào.
- Xà lách, rau thơm, dưa leo rửa sạch, để ráo rồi thái nhỏ. Giá rửa sạch, chần nước sôi.
banh-beo-bi7
Khi dùng cho đậu lên bánh, kế đến là thịt ram - bì, cuối cùng là mỡ hành.
banh-beo-bi10
Bánh bèo, tuy có cùng nguyên liệu nhưng tùy vào từng địa phương mà món ăn được chế biến khác nhau, tạo nên nhiều thương hiệu cho món này như: Bánh bèo chén tôm chấy xứ Huế, bánh bèo chén xứ Quảng hay những chiếc bánh bèo nhỏ bằng đầu ngón tay cái của người Khánh Hòa...
banh-beo-bi8
Bánh bèo miền Nam cũng được làm từ bột gạo, nhưng lại kết hợp với bì cùng các loại rau...Mặc dù chỉ là một món ăn bình dân, nhưng nó đòi hỏi kỹ thuật trong khâu đổ bánh sao cho có phần lõm ở giữa. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào bột và cách pha bột, đổ bánh.
 Bài và ảnh: Jessica Huynh
Theo : dep.com.vn

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Một vòng đất nước cùng bánh bèo

Nguồn từ website: http://banhbeobi.com.vn/am-thuc/mot-vong-dat-nuoc-cung-banh-beo.html

Bánh bèo là món ăn dân dã và quen thuộc với khá nhiều người, đặc biệt là những ai ở miền Trung. Nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, bánh bèo tuy giống mà khác nhau qua các tỉnh thành.
Bánh bèo Nghệ Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh)
Nghệ An, Hà Tĩnh tuy đều thuộc miền Trung nhưng bánh bèo ở đây lại không giống với các tỉnh cùng miền. Bánh bèo của Nghệ An, Hà Tĩnh không phải hình tròn, trắng phau như ta thường thấy mà có hình bán nguyệt, bánh trong để lộ bên trong nhân tôm thịt đo đỏ khá đẹp mắt.
Bánh bèo vùng này được làm từ bột lọc – bột củ sắn (củ mì) được xay nhuyễn lắng bột đem phơi khô – khi làm bánh phải nhào với nước ấm, nặn bột thành hình tròn mỏng và nhỏ. Sau đó, đặt nhân bánh giữa miếng bột, khéo léo gấp đôi miếng bánh thành hình bán nguyệt.
Nhân bánh bèo ở đây được làm từ tôm và thịt heo xắt nhỏ, kho rim với nước mắm và gia vị vừa miệng.
Bánh bèo Nghệ Tĩnh không được hấp hơi như những vùng khác mà được cho vào nồi nước sôi luộc, đến khi nào bánh trong và nổi lên thì có thể vớt ra. Ngoài ra, ở Nghệ An còn có biến tấu khác cho món này đó là thay vì luộc chín bánh được rán giòn tan.
banhbeo1
Nhưng dù là bánh luộc hay bánh rán thì bánh bèo đều được ăn kèm với nước mắm chua ngọt pha chế đặc biệt.
Bánh bèo Huế
Khác với bánh bèo của Nghệ Tĩnh. Bánh bèo Huế được làm từ gạo đem ngâm nước cho mềm rồi xay thành nước bột gạo mịn. Nhưng quan trọng là nước bột gạo không được quá đặc hay quá loãng vì như thế sẽ không có được những chén bánh với độ dẻo vừa phải, mà có thể bị cứng hoặc bị nhão. Đây cũng là cách pha bột làm bánh chủ yếu của các vùng từ Huế vàoNam.
Chén dùng để đổ bánh bèo là chén đất nhỏ và trẹt. Thường thì một chén bánh bèo được đổ với lượng bột khoảng non 1/2 chén là vừa. Sau đó, các chén được xếp vào xửng hấp và hấp bằng hơi.
banhbeoHue
Bánh bèo Huế thường được rắc phía trên một ít vụn bánh mì chiên giòn.
Nhân bánh là yếu tố chính tạo nên sự khác nhau của món bánh này. Nhân bánh bèo Huế làm từ tôm đất đã được ướp gia vị rồi sấy khô trên than hồng. Vì thế, khi ăn, thực khách không còn thấy mùi tanh khó chịu mà thay vào đó là vị bùi bùi, béo béo. Người ta còn gọi đây là nhân khô để phân biệt với nhân ướt của bánh bèo Quảng.
Bánh bèo Quảng (Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi)
Nhân bánh bèo Quảng được làm từ tôm, thịt nạc, nấm mèo, tất cả được xắt hạt lựu hoặc băm nhỏ rồi xào chung và cho vào một ít bột hấp bánh pha cùng tí màu điều hoặc nước nghệ để nhân sền sệt. Ngoài ra, khi nấu nhân bánh người ta còn cho thêm vào đó hành lá xắt nhỏ cho có màu đẹp mắt.
banhbeoquang-banhbeobi.com.vn
Bánh bèo Quảng với nhân màu cam ngon mắt
Khi ăn, chén bánh được quét một chút dầu, sau rồi đổ nhân lên trên và rắc lên một ít đậu phộng giã nhỏ, dọn kèm chén nước mắm được pha chế.
Bánh bèo miền Nam – Sài Gòn
Sài Gòn là nơi mà dân thập phương đổ về, ẩm thực ở đây cũng được các vùng miền khác mang đến là chính. Có lẽ vì thế mà Sài Gòn vừa có bánh bèo nhân ướt vừa có bánh bèo nhân khô. Tuy nhiên, để phù hợp với khẩu vị người miền Nam thì bánh bèo ở đây có thêm đậu xanh hấp vừa tới cho rời hạt và đồ chua ăn kèm.
nuoccham
Nhưng có lẽ nói bánh bèo miền Nam chính gốc phải là bánh bèo ăn với nhân thịt heo, mỡ hành, bì, nước cốt dừa, bánh mì khô chiên giòn và đồ chua.
Bánh bèo Bình Dương
Cũng làm từ bột gạo nhưng bánh bèo bì Dì Tám Bình Dương lại pha bột theo cách khác bánh bèo ta thường thấy, bột được đổ vào khuôn bánh tròn tròn đem hấp chín.
Bánh bèo bì Dì Tám Bình Dương
Bánh bèo bì Dì Tám Bình Dương - website: http://banhbeobi.com.vn
Phần nhân bánh được làm từ đậu xanh đãi vỏ, nấu nhừ để phết lên mặt bánh. Ngoài ra còn có bì (hỗn hợp thịt heo và da heo) , sau đó xắt sợi trộn với thính và thêm tỏi, gia vị cho thơm ngon . Đây cũng là điều tạo nên sự khác biệt lớn nhất cho bánh bèo bì.
Bánh bèo được sắp ra dĩa với lớp nhân bên trên ăn kèm với đồ chua, rau thơm, giá, và đậu phộng giã nhuyễn cùng chén nước mắn ngon ngon đã làm nên thương hiệu bao năm nay của bánh bèo bì Dì Tám.
Bánh bèo miền Tây
Trên khắp các vùng miền có lẽ miền Tây là nơi có món bánh bèo được làm đơn giản nhất mà vẫn không kém phần hấp dẫn.
Bánh bèo miền Tây được làm từ bánh phồng tôm Sa Giang (Sa Đéc) luộc đến khi bánh trong thì vớt ra.
banhbeomientay-banhbeobi.com.vn
Bánh bèo miền Tây được làm đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn.
Phần nhân bánh thì được làm từ đậu xanh hầm nhừ và tôm chấy như của Huế. Khi ăn, xếp bánh ra dĩa, cho đậu xanh, tôm chấy, mỡ hành lên trên cùng chén nước mắm chua ngọt  là có thể ”măm măm” được rồi.
Bánh bèo Hải Phòng
Loại bánh bèo khác biệt nhất có lẽ là bánh bèo Hải Phòng. Bánh bèo Hải Phòng dày và lạ mắt hơn với hình chữ nhật và nhân nằm trong bánh.
Phần bột để chế biến bánh thì tương tự như vùng khác. Tuy nhiên khi mang đi hấp  thì phần bột này lại được quấy chung với cả nhân (gồm nấm mèo thái chỉ xào chung với thịt băm cho chín).
Hỗn hợp ấy không phải được đổ vào chén nhỏ để hấp mà được đổ vào một khuôn mỏng hình chữ nhật kích thước chừng 10 x 15cm làm bằng lá chuối đã được đặt trong xửng hấp và cũng hấp hơi. Độ dày của bánh khoảng 3 – 4cm. Khi ăn bánh được cắt nhỏ và ăn cùng nước mắm pha.
banhbeoHaiPhong-banhbeobi.com.vn
Bánh bèo Hải Phòng lạ mắt.
Thơm ngon với bánh bèo ngọt lá dứa
Ngoài các loại bánh bèo mặn (gọi chung các loại bánh bèo như trên) thì còn có bánh bèo ngọt lá dứa.
banhbeongotladua-banhbeobi.com.vn
Bánh bèo ngọt lá dứa dai dai, thơm thơm, bùi bùi, béo béo, ăn một lần lưu luyến mãi không thôi
Sở dĩ gọi là bánh bèo ngọt lá dứa vì trong thành phần bột làm bánh gồm bột gạo như thông thường còn có thêm nước đường cho ngọt và nước lá dứa để tạo màu và mùi đặc trưng cho loại bánh bèo này. Bột bánh sau khi pha cũng được cho vào khuôn và đem hấp chín.
Nhân bánh cũng làm từ đậu xanh đãi vỏ, ngâm mềm, được nấu cùng nước dừa và đường rồi tán nhuyễn.
Khi ăn, bánh được xếp lên dĩa cùng với nhân bên trên. Thay vì nước mắm, món bánh bèo này được ăn cùng nước cốt dừa được nấu sệt.
Mùi thơm của dứa, vị bùi bùi vị đậu xanh và béo béo của nước cốt dừa tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn này.
(Tổng hợp từ internet)